Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

Kỷ niệm một chuyến đi (2)


Chuyện thứ 2: Chuyện đi tour
Sau khi tổ chức chuyến xuất ngoại đầu tiên với gia đình và hai bố con bạn Tiến “con”, có vài bạn hỏi: “Thế sao không rủ tao?”. Các bạn cứ làm như rủ nhau đi uống bia hơi Hà Nội ở “Hải Xồm” hay dốc La Pho ấy. Rủ nhau đi chơi trong nước hay xuất ngoại, là cả một vấn đề.

Trước tiên là cùng ý định. Muốn tổ chức đi phải xác định được cái đích – tức là nơi đến – giống nhau. Hai người cùng thích đi, nhưng ông thì thích tắm biển, bà thì muốn leo núi, thì không gặp nhau rồi. Tiếp theo là cách đi: người thích đi kiểu bụi, kiểu ba lô hay kiểu “phượt” (cho nó teen), kẻ thích có người chăn dắt (đi tour, cho nó nhàn). Sau đó mới đến các thủ tục cần thiết như: sức khỏe (chân tay cử động nhẹ nhàng, tim đập rộn ràng,…), thu xếp được thời gian rảnh rỗi,… rồi: phải có hộ chiếu, hộ chiếu còn hạn,… Cuối cùng mới là đầu tiên (tiền đâu).
*  *  *
Dạo ấy có tour đi Nam Ninh – Quế Lâm – Dương Sóc 5 ngày và 4 đêm, rất phù hợp với yêu cầu của chúng tôi nên nhanh chóng quyết định chọn. Mọi thủ tục nhanh chóng, đến ngày khởi hành đoàn có 7 người, trong đó có 6 khách. Đi từ Hà Nội lên sân bay đón thêm khách từ Tp. Hồ Chí Minh ra ghép đoàn được 13 khách. Đến Lạng Sơn là buổi trưa, HDV đưa đi ăn trưa và nghỉ ngơi tại chỗ. Đầu giờ chiều ra cửa khẩu làm thủ tục xuất nhập cảnh và đi qua Hữu Nghị quan có xe du lịch của Trung Quốc đón sẵn. Tôi rất ấn tượng với HDV du lịch của Nam Ninh, tên anh ta là Phú Thành Trung, đã từng học tiếng Việt tại ĐH Tổng hợp ở Hà Nội, không những thế anh lại còn có con gái nuôi (theo lời kể của anh ta, không biết con nuôi nghĩa đen hay nghĩa… dân dã) ở Hà Nội nữa. Anh ta đã ra tận km số 0 đón đoàn. Suốt chuyến đi anh ta luôn kể nhiều chuyện tếu của Việt Nam. Có lúc, tôi đường đột đề nghị anh kể chuyện tiếu lâm của Trung Quốc, anh ngần ngừ một lúc như tìm chữ nghĩa và nói: chuyện Trung Quốc kể ra sẽ rất khó cười. Đúng vậy, tôi có đọc một cuốn truyện cười của Trung Quốc mới in ở Hà Nội thì đúng là khó cười thật. Đa số chuyện dựa vào các tích cổ hoặc liên quan đến chữ và nghĩa của Trung Quốc. Nếu không được giải thích những tích cổ hoặc nghĩa chữ Hán thì không hiểu được chuyện. Anh ta hiện ở thành phố Nam Ninh, đã chia tay vợ, nuôi một cậu con trai hiện còn đang học phổ thông. Đúng là nghề của anh ta đi tour liên tục thì khó có người phụ nữ nào thông cảm được. Anh ta rất nhiệt tình, hôm ở Nam Ninh, tôi có nhờ và anh ta đã mua giúp vài đĩa CD ca nhạc Trung Quốc.

Ảnh : Với “nhóm ăn chay” trong công viên Thất Tinh, Quế Lâm.
                 Đi theo tour có khác với đi tự tổ chức, đó là cái tôi của từng người đã được kiềm chế tối đa. Thế nhưng cũng có những bất ngờ xảy ra. Trong đoàn chúng tôi có “yếu tố nước ngoài”, ông ta có những nguyên tắc mà chúng ta (người Việt hoặc người châu Á) khó chấp nhận. Có lần trong bữa ăn, do bất đồng ngôn ngữ mà xảy ra cãi nhau về chỗ ngồi. Tất nhiên là mày nói mày nghe, tao nói tao nghe thôi. Nhưng (lại nhưng) oái oăm là đám kia có cậu thanh niên bập bõm nghe được tiếng, dịch lại: “Nó bảo chị câm mồm”. Thế là eo ôi, chị nổi cơn tam bành… Bạn bảo lúc đó ta làm gì được, là người chứng kiến chúng tôi đành giả câm giả điếc.

Ảnh : Với Phú Thành Trung, trên dòng Ly giang.
                Nhưng cũng có những cái quan tâm rất đáng yêu. Đó là chuyện bạn Tiến gọi điện về báo cáo thượng cấp như quy định, nhưng không gọi được mặc dù quả quyết đã được mở gọi đi nước ngoài. Tiến phải mượn điện thoại của Cường để gọi, mà không chỉ một lần. Trên xe, bạn Cường rêu rao: anh Tiến có máy xịn, đắt tiền thế mà lại phải mượn máy của tao mới gọi về Việt Nam được. Thế là một chị trong nhóm ba người (cũng ba người), chúng tôi tạm đặt tên là “nhóm ăn chay” vì họ ăn riêng một mâm chay trong suốt hành trình, bảo Tiến: “Sao anh không bảo cháu nó (lại biết được cả con bạn Tiến đang học ở Singapore – hay khoe ghê) mua cho cái máy “tôn tốt” mà dùng?”. Lúc này Tiến đã biết được là nếu chưa đăng ký với nhà cung cấp mạng sử dụng dịch vụ “chuyển vùng quốc tế” thì dù có máy đắt tiền cũng không thể gọi về Việt Nam được nhưng rất khó giải thích với “nhóm ăn chay”, đành ngậm ngùi vâng vâng dạ dạ mà ấm ức vì không biết diễn giải thế nào.

               Là chuyện cũ, kể lại để cùng nhau chia sẻ cảm xúc, cũng là để có thêm kinh nghiệm xử lý các mối quan hệ khi tham gia những sinh hoạt có tính chất cộng đồng, xã hội.

                                                      Hà Nội, tháng 11 năm 2012

2 nhận xét:

  1. Không biết nhân vật chính (Tiến )trong câu chuyện trên có cảm nhận ra sao ? Tôi thấy tác giả viết rất có :Hồn: Tôi không có được năng khiếu viết chứ không thì chắc viết được cả một tập truyện ngắn qua mỗi chuyến đi
    mong được đọc các câu truyện thú vị như trên

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1. Còn cảm nhận gì nữa, sướng bỏ mẹ đi ấy chứ Tiến nhẩy !
      2. Viết đi, trước tiên là thay vì kể chuyện bằng mồm thì viết ra giấy. Sau đó thêm một ít dấu chấm, phẩy, ... vào. Gửi về hộp thư hoik16actm@gmail.com và chờ ông biên tập, ông quản lý blog up lên là xong. Chia sẻ với mọi người, vui là chính ý mà.

      Xóa