Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Những món ngon Đà Nẵng (3)

Bún chả cá Đà Nẵng

Là món ăn đặc trưng của miền Trung nhưng hình như không nơi đâu bún chả cá ngon bằng ở Đà Nẵng. Một lý do quan trọng để bún chả cá phổ biến ở miền Trung là vì nơi đây giáp biển, quanh năm luôn có những loại cá ngon để làm chả như: cá thu, cá thác lác, cá chuồn, cá mối, cá nhồng,...

Nói đến bún chả cá Đà Nẵng thì phần đặc trưng đầu tiên phải nói là chả cá. Để có được một tô bún chả ngon, như ý cần phải biết chọn loại cá ngon, cá tươi sau đó mang về rửa sạch, bào lấy thịt cá, cho vào cối miết nhuyễn cùng với gia vị như muối, bột ngọt, đường, tiêu,… theo một tỉ lệ nhất định tùy thuộc vào bí quyết của người làm chả và miết cho đến khi nào thịt cá dẻo và tỏa mùi thơm. Sau khi được tạo thành từng miếng lớn, chả có thể đem đi hấp hơi để tạo thành loại “chả hấp” hoặc đem chiên vàng trong dầu nóng, mà người Đà Nẵng gọi là “chả chiên”.


Tiếp đến là nước súp chan vào tô bún, là loại nước được hầm từ xương cá, có thể thêm xương heo hoặc xương bò. Đặc biệt nồi nước súp này luôn luôn có thêm những loại rau củ như cà chua, thơm, su bắp, bí đỏ và măng tươi để tăng thêm vị thanh ngọt và đậm đà cho món bún chả cá.
Bún ở Đà Nẵng được chế biến từ bột gạo, sợi bún nhỏ, có màu trắng đục và mềm mại vì không pha thêm bột sắn vào.
Mặc khác ngoài món bún chả cá, người Đà Nẵng còn khoái khẩu với món bún cá lát. Thay vì chả cá là chủ đạo của tô bún thì người ta để nguyên cá tươi, cắt khoanh và kho sơ qua với gia vị cho thấm cá. Các loại cá này thường là cá thu, cá ngừ hoặc cá cam tùy vào mỗi mùa cá trong năm tại Đà Nẵng.
Bún chả cá còn được ăn kèm với rau sống, tuy không cầu kì như rau sống mì Quảng nhưng rau cũng cần phải tươi và đủ loại như xà lách, húng, quế và đặc biệt phải có giá đỗ sống đi kèm.
Tô bún chả cá bốc khói nghi ngút, được điểm xuyến vài cọng ngò rí xanh rờn trên mặt nước màu đỏ trông rất duyên dáng. Xen lẫn đó là những lát chả cá chiên hoặc hấp cắt theo hình con thoi bắt mắt. Nếu bạn cảm thấy nhạc miệng có thể cho vào một ít mắm ruốc sẽ tạo nên mùi vị đậm đà và đặc trưng. Đặc biệt không thể thiếu đối với món bún chả cá là ớt tỏi giã và hành hương ngâm giấm đường. Vị chua chua ngọt ngọt của hành hương cộng với vị cay xé của ớt tỏi sẽ cho bạn những trải nghiệm thú vị khó tả và không thể nào quên đối với món bún chả cá Đà Nẵng.
Các địa chỉ tham khảo: Quán Bà Lan, số 87, Lê Hồng Phong; Bà Phiến, số 63, Lê Hồng Phong; Bún Chả cá 152, số 152, Quang Trung; Quán bún khu vực đường Lý Thái Tổ - Phan Thanh Giản (từ 18g00 đến đêm).

Bê thui Cầu Mống

Một trong những đặc sản ẩm thực Đà Nẵng, được xếp ngang hàng với mì Quảng đã thành danh thì “bê thui Cầu Mống” là món ăn không thể không kể đến trên danh mục ẩm thực của du khách.
“Bê thui Cầu Mống” còn được người dân Đà Nẵng gọi với cái tên quen thuộc “bò tái Cầu Mống”. Vùng đất này là một ngôi làng nhỏ nằm trên tuyến quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Quảng Nam-Đà Nẵng ngày xưa). Tại đây có rất nhiều hàng quán phục vụ món bê thui chất lượng, hương vị đậm đà bản sắc xứ Quảng mà không nơi nào sánh được. Và tôi xin cam đoan rằng, bê thui Cầu Mống thì chỉ có ăn ở Cầu Mống là mới là thứ thiệt, số dách.
Theo một lão làng trong nghề thui bê cầu Mống, thì con bê để thui được chọn vừa đủ lớn để thịt không nhão, tầm khoảng 30-35 kg. Sau khi cắt tiết bê, lấy lòng ra khỏi bê thì dùng dây thép khâu lại, lấy thanh sắt dài xỏ dọc thân nó. Cuối cùng gác bê ngang qua ngọn lửa than đang đỏ để thui bê. Nghệ thuật thui bê gần như là một bí truyền và hiện không còn nhiều người làm được, vì yêu cầu đặc biệt của nó. Chính điều đó tạo nên hương vi ẩm thực bản sắc địa phương. Trước hết, dù được thui bằng rơm rạ hay than củi đi nữa, nhưng miếng thịt bê khi đưa ra khỏi lò phải đạt đủ hai tầng thịt tái, chín rõ rệt, còn bì (da) thì phải chín đến độ trong suốt, đồng thời lại giòn mềm vừa phải. Không đạt được một trong các yếu tố trên thì không phải là loại bê thui ngon.


Đặc biệt, bê thui ngon hay không phụ thuộc vào mắm và rau sống ăn kèm. Mắm phải là loại mắm cá cơm nguyên con, được chế biến từ những làng chài nổi tiếng ven biển. Mắm đem về được gạn lấy nước, thêm đường, ớt tỏi giã nhuyễn, cùng ít gừng và mè rang thơm vàng rất hấp dẫn.
Rau ăn kèm với bê thui rất phong phú, bao gồm loại rau Trà Quế đặc trưng của vùng đất Hội An, rau tía tô thơm ngát, xà lách, cải non kết hợp với khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, ngò thơm, húng, quế và giá đỗ… tất cả hòa quyện tạo nên một hương vị đậm đà mà da diết.
Trải miếng bánh tráng ra, đặt lên vài lát thịt bê thui, cuốn chung với rau sống, chấm nước mắm nêm pha ớt tỏi, cắn một miếng lớn, nhai thật kỹ mới cảm nhận hết vị ngon ngọt của thịt bê cộng với vị mặn đậm đà thơm ngon của mắm thì mới hiểu hết được tại sao du khách đến đây, ít nhất phải thưởng thức món bê thui Cầu Mống một lần.
Địa chỉ tham khảo: Quán Bà Ngọc, số 228, Đống Đa; Quán Bò tái, số 103, Triệu Nữ Vương; Quán Tiến Thành, số 227, Trần Phú.
Cơm gà xứ Quảng

 “Cơm gà” là một món đặc sản của xứ Quảng mà nếu có dịp ghé qua thì bạn nên thưởng thức.
Chưa ăn cơm gà xem như chưa tới đất Quảng. Cách nói có phần cường điệu ấy có lẽ xuất phát từ lòng tự hào khi đề cập đến cơm gà – một thứ hương vị quê nhà đậm đà, khó quên của người dân phố Hội. Thế nhưng tiếng thơm của món cơm gà ấy còn được tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet đánh giá là: “Một món ăn đậm đà hương vị, một điều gì đó khiến những người yêu thích món gà phải ghé thử một lần…”
Cái đặc biệt của món cơm gà xứ Hội bắt nguồn từ nét riêng của cách chế biến thịt gà theo “gu” miền Trung, nghĩa là gà xé nhỏ, bóp thấm với hành tây, rau răm và gia vị. Cái khéo của người làm là khiến miếng thịt mang hương vị thơm thơm, cay cay nhưng vẫn không bở thịt và mất mùi gà.


Có một cách khác làm món cơm gà, nhưng người vùng Tam Kỳ - Quảng Nam hay Đà Nẵng mới thường chế biến theo cách này. Thịt gà không chỉ luộc, xé sợi mà được chặt thành từng miếng vừa phải, chiên vàng giòn. Cơm có màu cam đỏ của trái gấc chín trông rất bắt mắt. Và theo đúng điệu “con gà cục tác lá chanh”, món ăn được trình bày kèm lá chanh xắt nhuyễn. Cách này gần giống “gu” miền Bắc, nhưng không vì thế mà đĩa cơm gà mất “chất” Trung với những hạt cơm đỏ cam nấu từ nước dùng gà, với hương vị riêng của đĩa đu đủ muối chua kết hợp với tương ớt và xì dầu.
Địa chỉ tham khảo: Cơm gà Thái Hòa, số 20, Điện Biên Phủ; Cơm gà Xuân, số 66, Hải Phòng; Cơm gà Tú Tài, số 62, Hải Phòng; Cơm gà Hoàng Ngọc, số 106, Nguyễn Chí Thanh; Cơm gà bà Ký Tam Kỳ, số 79, Trưng Vương Nữ,…
(Còn nữa)

1 nhận xét:

  1. Đọc mà thèm .Món ngon đó mà lại được ăn cùng bạn hiền tại Đà nẵng thì tuyệt biết bao ?Bao giờ thực hiện được cho mình đăng ký trước .Với mình luôn tối thiểu là 1 xuất còn thì rủ thêm chắc vài người nữa .
    Hội viên k16a (Đã dự đủ các buổi ,thích "làm hơn nói")

    Trả lờiXóa