Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Tết Hà Nội xưa



QĐND Online - Trong ký ức của những người đã sinh sống ở Hà Nội từ nhiều thập kỷ trước thì không khí của những ngày Tết giờ đã khác xưa nhiều. Trước đây, từ Hàng Bồ qua phố Hàng Lược, Hàng Đường hay sang Hàng Buồm, Hàng Cân vào những ngày giáp Tết đều nhộn nhịp, rực rỡ với câu đối đỏ, tranh Hàng Trống và đủ thứ hương hoa, mứt kẹo chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên Đán.



Lúc xưa, từ trước vài ba tháng, tranh Tết đã treo rực rỡ cả phố Hàng Bồ mang không khí Tết tràn vào 36 phố phường. Trong áo the khăn xếp ông đồ già điềm đạm cầm bút thảo từng nét lên giấy son. Người xin chữ “Phúc”, chữ “Lộc”, người xin đôi câu đối mừng xuân. 


Tết Hà Nội xưa ấm áp với nồi bánh chưng trên bếp lửa hồng. Dù giàu hay nghèo người dân khi ấy cũng nấu một nồi bánh chưng để đón Tết. Cũng bởi vậy mà nhà Hà Nội học quá cố Nguyễn Vinh Phúc đã coi đó là hạnh phúc lớn của ngày Tết – “hạnh phúc trong nồi bánh chưng”.



Nói đến Tết Hà Nội xưa, chị Phương (Quận Hai Bà Trưng) còn nhớ như in những phong tục truyền thống mỗi dịp Tết. “Cúng ông Táo là lễ cúng đầu tiên, hai mươi ba tháng Chạp tôi thường theo bố ra Hồ Gươm thả cá chép. Năm nào cũng vậy, mẹ luôn chuẩn bị trước cho cả nhà quần áo mới mặc hôm mồng Một để đi khai xuân. Mẹ dặn mấy chị em ngày Tết không được cãi nhau, không được làm vỡ đồ, không quét nhà hay hắt nước ra ngoài nếu không cả năm sẽ không gặp may mắn. Trong ý thức của chị em tôi ngày đó, ngày Tết vô cùng thiêng liêng, quan trọng”.

Mấy mươi cái Tết trôi qua, Hà Nội cũng ít dần những nét đặc trưng riêng trong những ngày xuân sang. Mua sắm cho ngày Tết giờ đi đâu cũng đầy đủ cả. Công việc bận rộn nên tiện ở đâu thì người ta mua ở đó chứ không còn náo nức lên phố cổ mua sắm như xưa. 



Trong trí nhớ của những người đã hơn nửa đời gắn bó với Hà Nội, những phong tục Tết cổ truyền mấy chục năm nay đã thay đổi nhiều từ “ăn” cho đến “chơi” Tết. Điều kiện và lối sống của mỗi người hình thành những cách đón Tết mới như đi du lịch, đi chơi xa… Các tục lệ cũ chỉ giữ lại có lệ mừng tuổi, lệ đi chúc Tết, cúng giao thừa, cúng cơm gia tiên vào sáng mồng Một và “hoá vàng” kết thúc Tết Nguyên đán vào mồng Ba hoặc mồng Bốn Tết.

Tuy nhiên, không vì thế mà Tết mất đi những ý nghĩa đặc biệt của nó. Tạm quên đi cuộc sống bận rộn thường nhật, người Hà Nội vẫn đón Tết với hy vọng một năm mới bình an, sung túc hơn năm cũ.
MINH NGỌC

1 nhận xét:

  1. Bao giờ cho đến ....ngày xưa ,đến Tết đúng nghĩa của nó .Là người hơn 50 năm hưởng cái Tết ở Hà nội có lẽ tôi nhớ nhất 2 cái Tết kể ra cho các bạn nghe .Đó là Tết năm 1970-71 (năm học lớp 10 lớp cuối cấp chuẩn bị vào ĐH) tôi hầu như ở nhà thằng bạn(nó là em nhà văn Lưu quang Vũ ) trên phố Huế .Căn phòng nhỏ cỡ 8m2 của anh em nó là nơi bọn tôi ăn ở ,đi chơi và bàn toàn chuyện to lớn ( Chuẩn bị đi bộ đội vào Nam , nghịch gợm tuổi học trò ,kéo nhau đi chơi đến nhà các bạn gái cùng lớp mà giờ quen gọi là ..đi cưa gái ) Vậy mà "nhờ" bọn tôi giờ nó kiếm cô bạn cùng lớp ăn ở hạnh phúc đến bây giờ Bọn tôi đi chơi Tết bằng xe đạp đèo nhau cỡ chục đứa đến nhà nào chơi Tết ăn bằng sạch hết bánh quy xốp kẹo chủ nhà bày ra .Nhà nào sang có thêm nồi chè kho và thú nhất đến vườn đào Nhật Tân ,chợ hoa Hàng Lược ngắm ,chọn hoa (có tiền đâu mà mua) Đói rẽ vào nhà người quen mà có được bánh chưng ăn thì xịn quá Quần áo đi chơi Tết toàn giống nhau với áo bông xanh quần ka ki màu bộ đội chân có đôi dép nhựa Tiền phong thì oách phải biết .Anh nào mượn được xe đạp Phượng Hoàng ,Thống nhất đèo là nhất chứ mấy anh đi Tây về mang xe về có cái đài có quay đĩa thì khỏi phải nói đến nhà mở hết cỡ khoe .Pháo nổ ,thịt mỡ ,dưa hành ,câu đối của cụ đồ là nét đẹp thời đó và không thể thiếu cái lạnh se se chỉ có ở phía Bắc làm nên hương vị ngày Tết . Cái kỷ niệm Tết 1973 vừa ký hiệp định Pa ri bọn ngoại trú K16A ĐH rời Hiệp Hòa về Bách khoa .Tụi tôi tụ tập tại nhà Q ở Đường Thành là chính Đêm giao thừa có anh bạn quá chen sáng mùng 1 Tết đã có người "chăm sóc "mua cháo cho thật đúng như bát cháo hành của Chí phèo ,Thị nở đó Rồi cả bọn lên chợ Chờ trước còn kéo nhau đi chơi Tết miền quê Kinh Bắc với các trò vật ,đốt pháo sao mà vui thế .Anh bạn khóa khác lên Tết không lượng sức mình bơi qua sông chết đuối bọn tôi lại phải cắt cớ nhau coi xác chết ven sông vào cái ngày đầu năm nữa chứ .Tình bạn qua 40 năm đủ cung bậc vui ,buồn và nhờ .."trời" giờ vẫn bền vững và tôi nhờ đó được các bạn bầu có tý" cước sắc " cuối đời trước khi về hưu .Cám ơn các bạn
    Hội K16A CTM ĐHBK

    Trả lờiXóa